TIN TỨC

Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam tập trung triển khai hoạt động chuyên môn những tháng cuối năm 2018

27 Tháng Tám 2018

   Những tháng cuối năm 2018 Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam triển khai nhiều hoạt động trọng tâm tại Vân Hồ cũng như các địa phương, các hoạt động đối ngoại giới thiệu văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Những hoạt động này hứa hẹn sẽ là những điểm nhấn văn hóa trong năm 2018.

Triển lãm ảnh “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”

   Diễn ra từ ngày 19 - 21/9/2018 tại Vĩnh Phúc, Triển lãm thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát triển văn hóa của vùng Đông Bắc, nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em. Triển lãm cũng phản ánh rõ nét những nét đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc qua hình ảnh các làng nghề truyền thống, trang phục dân tộc, lễ hội, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh...

Triển lãm “Qua những miền Di sản”

   Được tổ chức vào tháng 10 năm 2018 trong khuôn khổ “Lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch Ninh Bình năm 2018”. Triển lãm sẽ giới thiệu những di sản thế giới tại Việt Nam, Di sản Việt Nam được UNESCO vinh danh: di sản thế  giới như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; di sản văn hóa thế giới: Quần thể di tích cố đô Huế, phố cổ Hội An, Hoàng thành Thăng Long, Quần thể danh thắng Tràng An…; di sản văn hóa phi vật thể; di sản tư liệu… Triển lãm cũng giới thiệu tổng quan về di tích, danh lam thắng cảnh và lễ hội tiêu biểu đại diện cho các vùng miền đất nước và không gian giới thiệu non nước Ninh Bình, vùng đất sở hữu nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cũng là nơi giao thoa văn hóa giữa các vùng miền từ Bắc vào Nam, từ miền núi đến đồng bằng ven biển, tạo nên màu sắc văn hóa độc đáo, ghi dấu trong các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, các di tích khảo cổ học, nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật trình diễn dân gian… Triển lãm “Qua những miền di sản” với hơn 100 ảnh chất lượng được lựa chọn kỹ lưỡng, nội dung phân bố khoa học sẽ phần nào đáp ứng nhu cầu tìm hiều về thiên nhiên, đất nước và đặc trưng văn hóa tiêu biểu của các dân tộc trên mọi miền đất nước thông qua các di sản và danh thắng, lễ hội vùng miền…

Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam”

   Trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, nhạc cụ truyền thống là một phần quan trọng không thể tách rời, phản ánh đời sống tinh thần, nét đặc trưng văn hóa của từng thời kỳ. Vì vậy, bảo tồn các giá trị của nhạc cụ truyền thống cũng chính là góp phần gìn giữ các loại hình nghệ thuật dân gian, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam đã xây dựng nội dung Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” được tổ chức tại Gia Lai trong khuôn khổ “Festival Cồng chiêng Tây Nguyên 2018” từ ngày 9-11/11/2018.

   Triển lãm giới thiệu sự phong phú, đa dạng của nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam, những nhạc cụ được lựa chọn trưng bày tại Triển lãm đảm bảo tính dân tộc vùng miền, tính hiện đại, cộng đồng, đa dạng và độc đáo thông qua các nội dung: Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên và nhạc cụ của các loại hình nghệ thuật được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới”; Giới thiệu nhạc cụ truyền thống của đồng bào các vùng: đồng bằng Trung du Bắc bộ; các dân tộc sống ở miền núi phía Bắc; vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên; Nhạc cụ truyền thống vùng Nam bộ cùng không gian trưng bày của các tỉnh, thành phố.

   Triển lãm gắn liền với các hoạt động giao lưu, trình diễn dân ca, dân vũ, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ của nhiều tỉnh, thành phố sẽ tăng hiệu ứng và hiệu quả trong việc giới thiệu, tôn vinh nét văn hóa đặc sắc trong lĩnh vực âm nhạc của dân tộc, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong sáng tạo nghệ thuật và gìn giữ những vốn quý được truyền lại của cha ông.

     

                       Triển lãm Nhạc cụ Truyền thống các dân tộc Việt Nam năm 2010

 

Không gian Di sản văn hóa Việt Nam 2018

   Được tổ chức nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11, nhằm tôn vinh những giá trị của di sản văn hóa Việt Nam, qua đó giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, thương mại, liên kết phát triển du lịch di sản văn hóa bền vững… Thông qua Triển lãm với chủ đề “Hành trình di sản văn hóa Việt Nam” giới thiệu về các vùng văn hóa cổ của Việt Nam, di sản, vẻ đẹp đất nước, cuộc sống con người Việt Nam qua lăng kính du lịch, sắp đặt các tác phẩm thủ công của các nghệ nhân dân gian; đặc trưng di sản văn hóa các vùng miền. Khu trưng bày Áo dài - một biểu trưng của văn hóa Việt Nam cũng giới thiệu những nội dung thú vị về áo dài từ khi hình thành và gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của người phụ nữ Việt Nam. Tại khu trưng bày còn diễn ra các hoạt động thao tác tay nghề, vẽ áo dài dưới sự hướng dẫn của nghệ sỹ, nghệ nhân. Các hoạt động tương tác cũng được chú trọng nhằm thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân ở các lứa tuổi lứa tuổi và các lĩnh vực khác nhau đối với di sản văn hóa như: Giao lưu học sinh, sinh viên với chủ đề “Tuổi trẻ với di sản văn hóa dân tộc”; Thi vẽ tranh “Thiếu nhi với Di sản văn hóa Việt Nam”; Hội thảo “Những vấn đề di sản văn hóa nghề và làng nghề truyền thống của Hà Nội và các tỉnh lân cận”; Giới thiệu văn hóa ẩm thực Việt.

   Cùng với các hoạt động trong nước, hoạt động đối ngoại của Trung tâm hướng tới giới thiệu những đặc trưng văn hóa của Việt Nam đến bạn bè quốc tế: Triển lãm thủ công mỹ nghệ tại Cu Ba, Triển lãm trang phục và thổ cẩm các dân tộc Việt Nam tại Anh và tham gia Hội thảo trao đổi văn hóa tại Campuchia.

     

Không gian trưng bày của TP. Hồ Chí Minh tại ngày hội  Di sản Văn hóa Việt Nam 2017

ĐỐI TÁC
Trung tâm Công nghệ thông tin Báo Văn hóa Mạng thông tin văn hóa