Giới thiệu

Lịch sử hình thành và phát triển

14 Tháng Bảy 2017

Lịch sử hình thành và phát triển của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam

Triễn lãm là hình thức thông tin đại chúng, một loại hình có chất lượng tổng hợp của nhiều thể loại nghệ thuật: văn học, hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc và cả âm nhạc, trình diễn… triển lãm phản ánh tất cả các vấn đề của đời sống xã hội: phổ biến kiến thức, tuyên truyền, hình thành các thị hiếu thẩm mỹ, nâng cao dân trí. Trong bối cảnh của đổi mới, triển lãm còn có giá trị như một công cụ cho các hoạt động xúc tiến thương mại; tìm kiếm thị trường, thúc đẩy giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hóa, xã hội.

Có thể vì ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy mà hoạt động văn hóa lớn đầu tiên, ngay sau sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa là một hoạt động triển lãm. Ngày 07/10/1945, chỉ sau hơn một tháng tuyên bố độc lập (02/09/1945) một cuộc triển lãm có quy mô quốc gia được tổ chức, đó là “Triển lãm Văn hóa” tại Nhà Văn hóa Bờ Hồ (Khai trí Tiến Đức). Trong lễ khai mạc Chủ tịch Hồ Chủ tịch cùng các vị Bộ trưởng trong Chính phủ đã tới dự. Sự kiện này có thể coi là sự kiện mở đầu cho ngành triển lãm của Việt Nam dưới chế độ mới.

Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp tới những năm đầu hòa bình lập lại, các cuộc triển lãm lớn nhỏ vẫn thường xuyên được tổ chức phục vụ trực tiếp cho sản xuất, chiến đấu và cho việc xây dựng một nền văn hóa mới. Tuy nhiên, Triển lãm thực sự được coi là một ngành, có hệ thống quản lý Nhà nước, có đầu tư và phát triển từ sau Nghị định 107/VHND ngày 21/11/1958 do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ký, trong đó có nội dung: “Sở Triển lãm và bảo tồn, bảo tàng tách ra một ngành riêng thuộc Bộ”.

Một Trung tâm Triển lãm có tầm cỡ quốc gia được thành lập để chuẩn bị cho “Triển lãm thành tích 15 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Hơn 300 hộ dân được giải tỏa, 3ha được san lấp Khu Triển lãm này khai mạc vào 29/8/1960, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBTV Quốc hội Trường Trinh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham dự và cắt băng khai mạc.

Từ đó đến nay Khu Triển lãm Vân Hồ (nay là trụ sở chính của Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam) là nơi thường xuyên tổ chức những hoạt động văn hóa lớn, phục vụ đất nước, dân tộc, góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - văn hóa, xã hội của đất nước.

Nơi đây, hàng năm diễn ra từ 30 đến 40 cuộc Triển lãm, Hội chợ, giao lưu VHNT lớn nhỏ, trong đó có nhiều sự kiện để lại dấu ấn sâu đậm trong các tầng lớp xã hội, tạo nên những tiếng vang lớn trong nước và quốc tế.

Trước những khó khăn thách thức của bối cảnh kinh tế - xã hội chung, những thế hệ cán bộ, viên chức và người lao động của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam luôn trăn trở, tìm tòi và sáng tạo đổi mới trong hoạt động nghiệp vụ  để giữ gìn và  xây dựng thương hiệu văn hóa: “bà đỡ” của văn hóa nghệ thuật. Phát huy truyền thống tốt đẹp và không ngừng phát triển đi lên xứng tầm một Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia.

> Xem Quyết định 

ĐỐI TÁC
Trung tâm Công nghệ thông tin Báo Văn hóa Mạng thông tin văn hóa