Triển lãm là hình thức thông tin đại chúng, một loại hình có chất lượng tổng hợp của nhiều thể loại nghệ thuật: hội hoạ, văn học, nhiếp ảnh, điêu khắc, kiến trúc và cả âm nhạc trình diễn… Triển lãm phản ánh tất cả các vấn đề của đời sống xã hội: phổ biến kiến thức, tuyên truyền, hình thành các thị hiếu thẩm mỹ, nâng cao dân trí; Đồng thời, trong bối cảnh của sự đổi mới Triển lãm còn có giá trị như một công cụ cho các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường, thúc đẩy giao lưu, hội nhập kinh tế, văn hoá, xã hội…
Có thể vì ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy mà mọi hoạt động văn hoá lớn đầu tiên ngay sau sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là hoạt động Triển lãm. Ngày 7/10/1945 sau hơn một tháng tuyên bố độc lập (2-9-1945) một cuộc Triển lãm có quy mô quốc gia được tổ chức, đó là “Triển lãm văn hoá” tại Nhà văn hoá bờ hồ (khai trí tiến đức) nay là Trụ sở của Cục Văn hoá cơ sở. Trong lễ Khai mạc Hồ Chủ tịch cùng các vị Bộ trưởng trong Chính phủ đã tới dự. Sự kiện này có thể coi là sự kiện mở đầu cho hoạt động Triển lãm của Việt Nam dưới chế độ mới.
Trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp tới những năm đầu hoà bình lập lại, các cuộc Triển lãm lớn nhỏ vẫn thường xuyên được tổ chức, phục vụ trực tiếp cho sản xuất, chiến đấu và cho việc xây dựng một nền văn hoá mới.
Tuy nhiên, Triển lãm thực sự được coi là một Ngành, có hệ thống Quản lý Nhà nước, có hướng dẫn, đầu tư và phát triển là từ sau Nghị định 107 VHND ngày 21/11/1958 của Bộ Văn hoá. Nghị định 107 VHND do Bộ trưởng Hoàng Minh Giám ký trong đó có nội dung: “Sở Triển lãm và bảo tồn bảo tàng tách ra thành một ngành riêng thuộc Bộ”. Đây là cái mốc đánh dấu cho một thời kỳ mới. Từ đó đến nay, tuy có những thay đổi về quản lý theo từng thời kỳ lịch sử nhưng ngành Triển lãm vẫn luôn khẳng định giá trị và sự phát triển ngày càng lớn mạnh hơn.
Sự xuất hiện của một Trung tâm Triển lãm có tầm cỡ quốc gia ngay sau đó là sự khẳng định đầu tiên. Kỷ niệm 15 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà một cuộc Triển lãm lớn được tổ chức. Bộ trưởng Hoàng Minh Giám là Trưởng ban tổ chức, trong các uỷ viên có đại diện các Bộ, Ngành và ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch uỷ ban Hành chính thành phố Hà Nội.
Để chuẩn bị cho cuộc Triển lãm này Nhà nước đã đầu tư xây dựng một khu Triển lãm lớn, 300 hộ dân được giải toả, 3 ha được san lấp, khu Triển lãm Vân Hồ được xây dựng và “Triển lãm thành tích 15 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà” đã khai mạc tại đây chiều ngày 29/8/1960. Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp đã tham dự và cắt băng khai mạc.
Khu Triển lãm Vân Hồ (nay là trụ sở chính của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam) trở thành khu Triển lãm thường xuyên của các hoạt động văn hoá lớn. Đó cũng là những bước đi ban đầu của một sự nghiệp vô cùng to lớn phục vụ đất nước, dân tộc trải qua gần nửa thế kỷ hình thành phát triển.
Năm nay 2008 đã tròn nửa thế kỷ của Ngành Triển lãm Việt Nam, hướng tới kỷ niệm sự kiện này, còn ghi nhớ mãi lời Bác kính yêu khi tới thăm Triển lãm Vân Hồ: “Triển lãm để mọi người xem, xem để biết, biết để làm cho tốt”. Đứng trước vận hội mới, ngành Triển lãm Việt Nam nói chung và Triển lãm Vân Hồ nói riêng đã và đang hướng tới những tầm cao mới.