TRIỂN LÃM - HỘI CHỢ

Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” tại Cần Thơ

30 Tháng Ba 2022

     Trong khuôn khổ “Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - Cần Thơ năm 2022”, Bộ VHTT&DL giao Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch thành phố Cần Thơ và các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” từ ngày 07 - 11/4/2022 tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ.

     Triển lãm “Nhạc cụ truyền thống các dân tộc Việt Nam” trưng bày các nhạc cụ được chọn lọc và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, bản sắc vùng miền, đảm bảo chất lượng, tính hiện đại, tính cộng đồng, đa dạng, phong phú và độc đáo, gắn với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống.

     Để khách tham quan hiểu hơn về nhạc cụ truyền thống của từng vùng miền, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam cùng Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã phối hợp trưng bày hơn 100 hình ảnh, cùng các tư liệu hiện vật, nhạc cụ truyền thống của các dân tộc Việt Nam theo 5 vùng miền cả nước. Nếu vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du Bắc Bộ là sáo, đàn nhị, mõ, phách, trống, đàn nguyệt… gắn liền với sinh hoạt cộng đồng, lễ hội và loại hình nghệ thuật chèo, chầu văn, rối nước, quan họ… thì khu vực miền núi phía Bắc khoe các nhạc cụ dân tộc đặc trưng: đàn tính của người Tày, Thái; sưu tập trống, nhạc sóc, thanh la, não bạt, chuông lắc, lềnh pài, kèn, đàn, sáo, nhị, kèn lá, chiêng… của các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Dao, Lô Lô, Mường..., tăng bu của dân tộc Khơ Mú, bộ sạp của dân tộc Thái…Duyên hải miền Trung Tây Nguyên, nơi âm nhạc là linh hồn của cuộc sống, là tiếng nói của tâm linh và diễn tả khát vọng vươn lên…, các loại nhạc cụ được giới thiệu gồm trống paranưng, trống ghi năng, kèn saranai. Các dân tộc Tây Nguyên trưng bày các nhạc cụ mang âm hưởng của núi rừng đại ngàn: cồng chiêng, đàn t’rưng, đàn đá, kèn sừng trâu, đàn ống tre… Khu giới thiệu nhạc cụ truyền thống của đồng bào Nam Bộ, nơi có kho tàng nhạc cụ phong phú và đặc sắc, tiêu biểu gắn với đời sống của đồng bào dân tộc Kinh, Hoa, Khmer, Chăm, nhạc cụ đặc trưng: ngũ âm, sáo, kèn, hồ nhị, đàn tì bà, thanh la, não bạt… chủ yếu là các nhạc cụ phục vụ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ.

     Khu trưng bày, trình diễn nhạc cụ truyền thống của 11 tỉnh/ thành phố: Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Ninh Thuận, Hậu Giang, Tiền Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long, lựa chọn giới thiệu những nhạc cụ tiêu biểu của địa phương, tôn vinh bản sắc riêng của từng địa phương và nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ với các nhạc cụ dùng trong nghệ thuật đờn ca tài tử cũng như trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

     Xuyên suốt thời gian diễn ra triển lãm là các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật truyền thống và dân gian đương đại, là dịp để các đơn vị gặp gỡ, giao lưu, trao đổi học tập kinh nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, góp phần quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch cho thành phố Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.

     Ngoài Triển lãm trực tiếp, Triển lãm trực tuyến đăng tại website của Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam http://trienlamvhnt.vn và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ http://sovhttdl.cantho.gov.vn. (từ 9/4-30/5/2022).

Một số hình ảnh trưng bày tại Triển lãm:

 

 

 

ĐỐI TÁC
Trung tâm Công nghệ thông tin Báo Văn hóa Mạng thông tin văn hóa