TRIỂN LÃM - HỘI CHỢ

60 năm xây dựng và phát triển

01 Tháng Ba 2018

   Hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống của ngành Triển lãm, phóng viên Thông tin Triển lãm VHNT đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đăng Chương - Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam về quá trình xây dựng và phát triển của ngành Triển lãm, đặc biệt là lĩnh vực Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật, sau đây là nội dung của cuộc trao đổi này.

     

TS. Nguyễn Đăng Chương - Giám đốc Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam

 

   Phóng viên (PV): Đã trải qua 60 năm trọn một vòng hoa giáp, đó là một chặng đường xây dựng và phát triển dài gắn liền với lịch sử đất nước của ngành Triển lãm và đặc biệt là Triển lãm VHNT. Hướng tới Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, xin ông cho biết lược sử quá trình xây dựng và phát triển của ngành?

   Ông Nguyễn Đăng Chương: Triển lãm nói chung và đặc biệt là Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật nói riêng là hoạt động văn hóa có tính chất tổng hợp, một hình thức thông tin tuyên truyền trực quan có sức truyền cảm, thuyết phục cao. Vì thế, triển lãm thực sự là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác chính trị, tư tưởng, phổ biến kiến thức, phát triển và nâng cao trình độ thẩm mỹ của công chúng. Hoạt động triển lãm đã xuất hiện từ lâu trên khắp thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ từ sau khi Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công loại hình nghệ thuật này mới được sử dụng hữu hiệu cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Sự quan tâm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới ngành Triển lãm thể hiện rất rõ ở việc chỉ sau 1 tháng khi nước nhà tuyên bố độc lập, trong tình thế muôn vàn khó khăn đến mức được ví là ngàn cân treo sợi tóc thì một cuộc Triển lãm Văn hóa vẫn được tổ chức (ngày 7/10/1945) tại Nhà khai trí Tiến Đức (nay là số 16 Lê Thái Tổ, Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới dự lễ khai mạc. Tại đây Người nói “Văn hóa Việt Nam dưới sự áp bức của đế quốc vẫn cố thở, cố phát triển…”.

   Tuy nhiên, Triển lãm thực sự trở thành một ngành riêng từ sau khi có Nghị định số 107/VH-ND do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Hoàng Minh Giám ký ngày 21/11/1958 tách sở Triển lãm thành một cơ quan độc lập; đây cũng là mốc son đánh dấu sự ra đời của ngành Triển lãm mà từ đó đến nay không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.

   Để tạo điều kiện cho những bước đi quan trọng ban đầu, một trung tâm Triển lãm quốc gia đã được xây dựng năm 1958, đó là Khu triển lãm Vân Hồ. Cuộc triển lãm đầu tiên được tổ chức tại đây là “Triển lãm thành tích 15 năm nước Việt Nam dân chủ cộng hòa”. Ngày 29/8/1960 Triển lãm khai mạc trọng thể, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, chủ tịch UBTV Quốc hội Trường Chinh, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Võ Nguyên Giáp, nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng cùng các vị Đại sứ, các đoàn ngoại giao đã tới dự. Trong thời gian mở cửa Triển lãm, ngày 16/9/1960 Hồ Chủ tịch cùng ngài Sékou Touré-Tổng thống nước Cộng hòa Ghi - Nê đã tới thăm quan. Có thể nói Khu triển lãm Vân hồ được khai trương với một hoạt động chính trị văn hóa tầm cỡ Quốc gia và từ đó đến nay tiếp tục là một địa chỉ văn hóa lớn tại Thủ đô Hà Nội. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật đã bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng đại, gắn liền với sự nghiệp của cả dân tộc. Đó là các cuộc triển lãm về đề tài xây dựng chủ nghĩa xã hội như: “15 năm thành tích nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1960)”, “Sáng kiến hợp lý hóa sản xuất cải tiến kỹ thuật (1962)”, “Phong trào thi đua hai tốt”, “Triển lãm kế hoạch năm năm lần thứ nhất (1965)”… Các cuộc triển lãm về chiến tranh chống Mỹ cứu nước như: “Miền Nam quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược (1965)”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Chiến thắng 5/8”, “Chiến thắng đường 9 Nam Lào”, “Một số hình ảnh 30 năm thắng lợi của cách mạng Việt Nam”… Và cũng ngay từ những năm tháng gian khổ ác liệt ấy, Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật vẫn được chú trọng như sự khẳng định cho một nền văn hóa có sức sống mãnh liệt, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống xã hội: “Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1962)”, “Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam sản xuất và chiến đấu (1966)”, “Triển lãm tranh tượng của Bộ đội (1966)”. Đất nước độc lập thống nhất toàn vẹn, Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật cũng bước sang trang mới, vẫn là việc bám sát nhiệm vụ chung của cả dân tộc nhưng tính chất, qui mô đã có những bước phát triển lên tầm vóc mới. Các cuộc Triển lãm có qui mô toàn quốc được tổ chức ngày càng nhiều hơn. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976, 1980, 1985 và định kỳ 5 năm một lần cho đến nay. Triển lãm tranh cổ động toàn quốc (1979), Triển lãm văn hóa các dân tộc Việt Nam 1986, Triển lãm trang phục các dân tộc (1991), Triển lãm Ngày 27 tháng 7 truyền thống đền ơn đáp nghĩa (năm 1997, 2007, 2017), các cuộc triển lãm về di sản văn hóa định kỳ tháng 11 hàng năm. Việc giới thiệu văn hóa Việt Nam các vùng miền, các dân tộc tổ chức ngày càng nhiều: Tuần Văn hóa Tây Nguyên (2002, 2012), Tuần Văn hóa Chăm (2003), Ngày hội giao lưu bản sắc văn hóa các vùng miền toàn quốc (2008)... Hệ thống tổ chức, chức năng nhiệm vụ cũng không ngừng được phát triển, mở rộng. Các Trung tâm triển lãm, hội chợ được xây dựng mới ngày càng nhiều và khang trang hơn. Các tổ chức văn hóa, xã hội và hội nghề nghiệp có nhà triển lãm riêng. Trong thiết chế văn hóa, tại các địa phương cũng có các Trung tâm thông tin - triển lãm… Có thể nói Ngành Triển lãm nói chung và Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật nói riêng đã hiện diện ở khắp mọi miền từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng cho sự quảng bá của mọi lĩnh vực.

    PV: Xin ông cho biết thêm về hướng phát triển của Triển lãm VHNT, những định hướng lâu dài của Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam?

   Ông Nguyễn Đăng Chương: Sự phát triển của văn hóa nghệ thuật luôn luôn có sự kế thừa những giá trị truyền thống và những sáng tạo mới; Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật phải đồng hành chung trong sự nghiệp vô cùng phong phú và đa dạng đó. Luôn tìm tòi, sáng tạo, đổi mới là phương châm của Triển lãm VHNT Việt Nam nhằm đạt được hiệu quả thiết thực, đáp ứng được yêu cầu cuộc sống, đặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong thời kỳ mới.

   Đối với Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam, những gì đã đạt được là vô cùng to lớn. Với khoảng 30 cuộc triển lãm trong nước hàng năm, cùng hàng chục cuộc triển lãm, giao lưu văn hóa giới thiệu Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Trung tâm đã từng được nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng ba (1998), cờ thi đua của chính phủ (2006), Huân chương lao động Hạng nhì (2008), Hạng nhất (2013), nhiều năm đạt danh hiệu thi đua xuất sắc của Bộ VHTTDL… Dân tộc ta đang bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng. Trước sự phát triển toàn diện về mọi mặt của đất nước, Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phải đổi mới tư duy về phương pháp hoạt động nhằm quảng bá tốt nhất về đất nước, con người Việt Nam nói chung, về các giá trị văn hóa nghệ thuật đã được kết tinh qua chiều dài lịch sử tới bạn bè quốc tế và nhân dân trong cả nước. Nguồn lực con người của Trung tâm cần có trình độ chuyên môn cao, năng động, sáng tạo trong nhận thức và hành động. Cơ sở vật chất, các thiết chế cần được đầu tư nâng cấp để đáp ứng sự đòi hỏi của thực tiễn đời sống trong thời kỳ mới. Kế hoạch hoạt động của Trung tâm phải bám sát nhu cầu của xã hội, mang tính chiến lược lâu dài, có yếu tố dự báo cao và có sự đột phá mới lạ, kết hợp tinh tế, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại... Tóm lại là có rất nhiều việc cần phải làm mới có thể đảm bảo sự phát triển trong những vận hội mới của đất nước. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Bộ VHTTDL, Trung tâm tiếp tục là đơn vị đầu ngành với định hướng cơ bản nhất là: Triển lãm VHNT phải có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp “xây dựng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”.

     

Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất 2013

 

   PV: Thưa ông, những hoạt động cụ thể nào sẽ được tổ chức liên quan đến hoạt động kỷ niệm này ở Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam?

   Ông Nguyễn Đăng Chương: Trung tâm sẽ phát động các phong trào thi đua trong cơ quan, đây là dịp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Trung tâm tìm hiểu về lịch sử và truyền thống của ngành, tự hào về những gì các thế hệ đi trước đã làm được, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tạo nên không khí hào hứng đoàn kết, gắn bó nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

   Lễ kỷ niệm cũng đã được xây dựng kế hoạch tổ chức cụ thể vào tháng 11/2018 gồm nhiều nội dung: Triển lãm, giao lưu giữa các thế hệ, các đơn vị liên quan, biểu diễn nghệ thuật, mít tinh kỉ niệm… Với mục tiêu: phát huy Truyền thống, đổi mới, sáng tạo để xây dựng Trung tâm Triển lãm VHNT Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.

    PV: Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: Bản tin Thông tin Triển lãm VHNT Việt Nam).

ĐỐI TÁC
Trung tâm Công nghệ thông tin Báo Văn hóa Mạng thông tin văn hóa